“Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơiCó hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy”Những ca từ ca ngợi tình cảm thiêng liêng của những người Thầy luôn là đề tài được các tác giả đưa vào thơ ca.
Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người đều có những thầy cô giáo mà đi suốt cả cuộc đời có lẽ ta không bao giờ tìm thấy những người như họ. Họ là những người tận tâm tận tụy với nghề lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những học sinh yêu quý của mình. Trường Tiểu học Văn Chương của chúng tôi cũng có những giáo viên chủ nhiệm như thế và có lẽ trong suốt cuộc đời tôi sẽ luôn ghi nhớ hình ảnh về cô – cô Phạm Hồng Vân.
Cô Vân là một cô giáo còn rất trẻ, cô được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 4A5. Dáng cô hơi gầy, cao dong dỏng. Mái tóc đen óng được uốn lọn, xõa ngang lưng trông như một nàng tiên. Cô có khuôn măt trái xoan, rất xinh. Nhưng đối với tôi, ấn tượng nhất là ánh mắt dịu dàng, chứa đầy tình yêu thương của cô. Cô luôn nhìn học trò với nụ cười tươi, đôi mắt trìu mến.
Mỗi năm nhận lớp mới, đưa một chuyến đò mới cô luôn dành một tiết đầu tiên để làm quen với lớp và tự giới thiệu về bản thân mình. Ngay từ những tiết học đầu tiên, cô đã cho học sinh một quan niệm hoàn toàn khác về cô giáo chủ nhiệm. Cô luôn có cách lôi kéo học trò không thể rời khỏi lời giảng của cô một giây phút nào. Cô vẫn giữ những nét truyền thống của một nhà giáo, không sai lệch về tư tưởng, đạo đức nhưng cô cũng không quên bỏ vào đó một chút cái tôi cá nhân riêng để học sinh có thể nhớ về cô mãi. Cô không hắt hủi hay chê bai những học sinh học chưa tốt mà thậm chí cô còn luôn quan tâm chỉ bảo một cách tận tình. Cô thường hay giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không ngần ngại kèm thêm cho các bạn học yếu sau giờ học, từ đó mà lớp cô cũng ít dần những bạn học sinh bị điểm kém.
Đối với công việc, cô luôn là cô giáo đầy trách nhiệm, hết mình vì học sinh, đồng thời cô còn là giáo viên giỏi nhiều năm liền. Đối với đồng nghiệp, cô Vân luôn vui vẻ, cởi mở và cô luôn dìu dắt các đồng nghiệp trẻ, kính trọng các thầy cô lớn tuổi hơn mình. Tôi từng nhớ rất rõ có lần tôi – một giáo viên mới chập chững vào nghề gặp một tình huống khó xử với phụ huynh học sinh, tôi nhờ cô tư vấn. Thật may, qua những lời chia sẻ động viên từ cô mà tôi thêm vững tin vào nghề, thêm yêu học trò và từ đó cũng hiểu hơn về cách ứng xử với phụ huynh cũng như với học sinh sao cho phù hợp. Tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu quý nhờ áp dụng những kinh nghiệm quý báu được cô chia sẻ.
Cô từng đạt nhiều giải thưởng cao trong quá trình giảng dạy như giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, bài giảng Elearning cấp Thành phố, những lớp cô chủ nhiệm đều nằm trong danh sách lớp tiên tiến- xuất sắc,....Cô chia sẻ với đồng nghiệp đi sau như chúng tôi rằng: “Đó là niềm vui và động lực để chị phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người”. Đối với học trò, cô không chỉ là một giáo viên mà còn là người mẹ thứ hai của chúng, cô lúc nào cũng yêu thương, chăm sóc, tận tụy, động viên mỗi khi học trò có tâm sự hay gia đình có những biến cố gì xảy ra.
Dù có hai con nhỏ cần chăm sóc nhưng lúc nào cô cũng ưu tiên học sinh lên hàng đầu, chữa bài cho chúng thật tỉ mỉ, theo dõi thật sát sao.
Ngoài những thành tích trong việc giảng dạy cô còn nhiệt tình tham gia và đạt giải trong các cuộc thi do Công đoàn ngành tổ chức. Cô tham gia dẫn nhiều chương trình lớn trong Quận và nhận được rất nhiều lời khen.
Đã có ai đó nói rằng: “Nghề giáo như nghề chèo đò, phải đưa những con đò đến được bờ bên kia”. Thật đúng như vậy. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, “người đưa đò’’ phải cố gắng giữ làm sao cho đò được vững chắc. Mà có ai biết được rằng, trong suốt chặng đường ấy, họ phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả. Phải, “người đưa đò” phải dùng hết sức lực của bản thân để chống chọi những khi có “mưa to”, “gió lớn”. Rồi khi đã đưa được khách qua sông, “người đưa đò” lại quay về bến bên kia để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả ấy. Và cứ thế, cứ thế, những người thầy đã dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho tất cả những đứa con thân yêu của họ, không quản khó khăn, mệt mỏi. Cho dù phải thức khuya để miệt mài soạn giáo án, cho dù ngày qua ngày họ chỉ mãi lặp đi lặp lại những công thức, những bài giảng hàng nghìn, hàng vạn lần nhưng họ vẫn không buồn chán, bởi vì trong trái tim họ chỉ có duy nhất một khát khao – uốn nắn, dạy dỗ lớp trẻ hôm nay thành người có ích. Thật may mắn cho bản thân tôi khi được trở thành đồng nghiệp với cô giáo Phạm Hồng Vân, tôi sẽ luôn học hỏi ở cô thật nhiều những đức tính tốt đẹp của một nhà giáo tận tâm, tận tụy với học trò. Cô Vân sẽ luôn là niềm tự hào của giáo viên khối 4 nói riêng và giáo viên trường Tiểu học Văn Chương nói chung.
Người viết Vũ Thị Phương